Matthew Youlden nói thành thạo 9 thứ tiếng và hiểu được thêm
12 thứ tiếng khác nữa. Và dưới đây sẽ là những bí quyết luyện ngoại ngữ cực đỉnh
của anh chàng.
1. Có nguyện vọng học hành chỉn chu
Với nhiều người thì động lực học tập là điều đương nhiên phải
nghĩ tới khi muốn theo đuổi một ngoại ngữ, nhưng không phải ai cũng tìm được
cho mình cảm hứng và mục tiêu phấn đấu ngay từ đầu. Nếu bạn không biết tại sao
mình lại muốn học tiếng Pháp, bạn sẽ chẳng đủ kiên nhẫn để theo học nó trong một
thời gian dài, khi mà xung quanh bạn toàn những người chọn tiếng Anh. Và đã chọn
tiếng Pháp thì hãy tìm đến cơ hội chuyện trò với người Pháp, thay vì thực hành
nó với những người Anh biết nói ngôn ngữ này. Việc trò chuyện với người bản xứ
sẽ khiến bạn thêm thích thú, tò mò về ngôn ngữ mình lựa chọn.
2. Bơi trong ngôn ngữ đó
Vậy một khi bạn đã xác định được động lực học hành của mình
rồi thì làm thế nào để học một cách hiệu quả? Matthew khuyên bạn nên chọn cách
“360”, tức là đắm mình trong việc thực hành ngôn ngữ đó mỗi ngày. Ngay từ đầu,
anh chàng đã tạo cho mình thói quen suy nghĩ, viết lách, nghe đài, đọc báo và
thậm chí là tự nói chuyện với chính mình bằng thứ tiếng đó. Anh chia sẻ, chìa
khóa thành công chính là có thể suy nghĩ được theo cách của người bản xứ.
3. Tìm cho mình bạn đồng hành
Matthew đã học ngoại ngữ cùng anh trai sinh đôi của mình và họ chính thức học chung
với nhau tiếng Hi Lạp khi cả hai vừa mới tròn 8 tuổi. Hai anh em Michael và
Matthew có thể học ngoại ngữ tốt một phần cũng vì… ganh tị với nhau. Một khi một
trong hai người nhỉnh hơn người còn lại ở một thứ tiếng nào đó, người kia sẽ cố
gắng vượt qua người anh em của mình. Nếu không có anh em sinh đôi, bạn cũng có
thể tìm đến một người bạn, một đồng nghiệp, tóm lại là bất kì ai có thể cùng bạn
học tốt môn ngoại ngữ mà bạn đang để mắt tới.
4. Hữu-ích-hóa khả
năng ngoại ngữ
Biết nói một thứ tiếng là mục tiêu hàng đầu, hẳn rồi, nhưng
nói trong hoàn cảnh cụ thể nào và nói về vấn đề gì? Đừng ngồi chờ thời cơ gặp
được người bản xứ mà hãy tạo cho chính mình cơ hội ấy, bằng việc đi ăn ở nhà
hàng Thái Lan, trở thành thành viên của các hội hướng dẫn viên tình nguyện
trong thành phố… Bạn sẽ thích học một thứ tiếng hơn khi bạn hiểu được sự hữu dụng
của nó trong cuộc sống. Đừng chỉ học ngữ pháp và những nội dung hàn lâm thiếu
tính thực tế.
5. Học một cách thoải mái
Hai anh em đa ngôn ngữ này đã thực hành tiếng Hy Lạp bằng
cách viết lời bài hát bằng thứ tiếng ấy. Nếu bạn mê nhạc kịch, tại sao không thử
soạn kịch bằng tiếng Tây Ban Nha. Là dân học vẽ đang luyện tiếng Nhật, tại sao
không thiết kế truyện tranh bằng ngôn ngữ này. Hay đơn giản bạn cũng có thể rủ
bạn bè cùng nhóm luyện ngoại ngữ ra café tán gẫu. Khi kết nối được việc học với
một hoạt động yêu thích, áp lực học hành sẽ giảm đi đáng kể.
6. Hành xử như một đứa trẻ
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng cách học ngoại ngữ
nhanh và hiệu quả nhất đó là học với tâm thế của trẻ con: học một cách không có
gì là quá nghiêm túc, vừa chơi vừa học và chẳng sợ phạm lỗi. Trẻ con xem việc mắc
lỗi là bình thường, chỉ có những người trưởng thành mới xem đây là chuyện lớn.
Khi học một ngoại ngữ mới, hãy chấp nhận thực tế rằng còn rất nhiều cái mà bạn
không biết và còn lâu lắm mới thành công được nếu khư khư sợ vấp lỗi.
7. Bước ra khỏi vùng tiện nghi
Một khi đã chấp nhận được sai sót, bạn cũng có thể chấp nhận
đặt mình ở ngoài vùng tiện nghi. Hãy bắt chuyện với người lạ, hỏi đường bằng tiếng
nước ngoài khi đi du lịch, gọi món ở nhà hàng hay kể chuyện cười với đám bạn nước
khác… Một khi bạn đã chấp nhận thử nghiệm những điều này, vùng tiện nghi của bạn
sẽ càng giãn nở thêm ra, chứ không cách xa hơn như bạn tưởng. Một du học sinh
cũng có thể thoải mái với cuộc sống xa xứ, nếu bạn có bạn bè (không chỉ là bạn
bè đồng hương) và không ngại kết thân với họ.
8. Lắng nghe
Bạn phải nhìn ngắm trước khi bắt tay vào vẽ một vật gì đó. Bất
kì ngôn ngữ nào khi mới nghe lần đầu cũng sẽ khiến bạn cảm thấy lạ lẫm, nhưng dần
hồi, sự quen thuộc sẽ đến. Giờ này, Matthew kể rằng anh có thể phát âm tất cả
những âm tiết mà họ nghe thấy. Bản thân anh cũng đã gặp khó khăn với âm “R” (uốn lưỡi) trong tiếng Tây Ban Nha khi
phát âm những từ như “perro” và “reunión”, vì âm này không có trong tiếng Anh,
ngôn ngữ bản địa của anh chàng. Khi đó, cách tốt nhất là bạn phải lắng nghe người
khác nói để “bắt chước” lại y hệt.
9. Nhìn người khác nói
Việc phát âm có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào cả hai
yếu tố tinh thần lẫn hình thể. Thế nên, cách hay nhất, theo Matthew, để nói
đúng như người bản địa đó là chú ý nhìn người ta nói để… bắt chước theo từng
cách uốn lưỡi, cách lấy hơi... Nếu ít có cơ hội gặp gỡ người bản xứ, bạn có thể
xem phim, xem truyền hình vì sau cùng thì cách này cũng sẽ giúp bạn đạt được
nguyện vọng nhìn người khác nói.
10. Tự nói chuyện
Nếu không có người nghe, tại sao bạn không tự nói với chính
mình? Việc này nghe qua có vẻ hơi kỳ cục, nhưng cách này cũng sẽ giúp bạn thực
hành được khả năng nói của mình mà không cần một ngươi đối diện. Nó còn là cách
giúp bạn “lưu trữ” được từ vựng trong đầu
cũng như giúp bạn tự tin hơn trong những cuộc nói chuyện thực tế.
Nguồn: Babbel
0 nhận xét:
Đăng nhận xét