Thế giới của chúng ta đang diễn ra 2 xu hướng chính: Một là thế giới đang chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Hai là thế hệ mới hiện nay – thế hệ được nuôi dưỡng và giáo dục trong thời đại internet bùng nổ trên toàn cầu – đang được thúc đẩy theo một cách rất khác so với thế hệ cũ trong việc học hỏi tri thức. Hai xu hướng này đã và đang đem đến rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho hệ thống giáo dục và thế hệ trẻ, buộc mỗi quốc gia phải đánh giá lại hệ thống giáo dục của mình để có sự điều chỉnh phù hợp đáp ứng nhu cầu của thế giới hiện đại.
Thực tế tại Việt Nam hiện nay, trẻ em được học toán, học tiếng Anh và các môn văn hóa khác từ rất sớm với lượng kiến thức rất lớn nhưng dường như những kỹ năng sống - những gì có thể coi là cơ bản, “sống còn” để trẻ thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi sự thay đổi của môi trường sống - lại không được truyền đạt đúng mức.
Theo Tiến sỹ Tony Wagner - Học giả và diễn thuyết gia nổi tiếng người Mỹ, Chuyên gia giáo dục, Đồng giám đốc Nhóm thay đổi nghệ thuật lãnh đạo của Đại học Harvard, tác giả của hàng loạt đầu sách best-seller về giáo dục - đã đưa ra khái niệm “global achievement gap” (Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục) để gọi sự thiếu hụt, khoảng cách giữa những gì nền giáo dục của chúng ta đang trang bị cho giới trẻ và những gì thế giới tương lai đòi hỏi.
Đồng thời ông đã chỉ ra 7 kỹ năng có thể gọi là “sống còn” mà giới trẻ cần có:
Tư duy phê phán và kỹ năng giải quyết vấn đề
Thực tế cuộc sống không ngừng thay đổi và phát triển, các doanh nghiệp cũng vậy. Ý tưởng cho rằng các nhà lãnh đạo cấp cao của công ty luôn có tất cả các câu trả lời và biết cách giải quyết mọi vấn đề đã hoàn toàn lạc hậu. Bạn là người gần với công việc của bạn nhất và bạn cần kỹ năng phân tích mạnh mẽ, khả năng đặt các câu hỏi để đi đến tận cùng vấn đề.
Robert Fisher – Chuyên gia hàng đầu về phát triển kỹ năng tư duy của trẻ cho rằng khả năng suy nghĩ không phải là một khả năng tự nhiên như ngủ, đi bộ hay nói chuyện. Suy nghĩ – ông nhấn mạnh – là một kỹ năng cần được rèn luyện để phát triển và người ta không tự nhiên trở nên thông minh hơn khi lớn lên. Trẻ con học cách suy nghĩ khi người lớn nghiêm túc kèm cặp chúng, khuyến khích chúng tham gia vào các cuộc trò chuyện thực sự, truyền cảm hứng và thúc đẩy trí tưởng tượng của trẻ, hỏi trẻ những câu để trẻ suy nghĩ và trả lời.
Thực tế cuộc sống không ngừng thay đổi và phát triển, các doanh nghiệp cũng vậy. Ý tưởng cho rằng các nhà lãnh đạo cấp cao của Công ty luôn có tất cả các câu trả lời và biết cách giải quyết mọi vấn đề đã hoàn toàn lạc hậu. Bạn là người gần với công việc của bạn nhất và bạn cần kỹ năng phân tích mạnh mẽ, khả năng đặt các câu hỏi để đi đến tận cùng vấn đề.
Khả năng hợp tác và kỹ năng lãnh đạo bằng sức ảnh hưởng
Bản chất của thế giới hiện nay là hợp tác và kết nối, do đó kỹ năng làm việc nhóm trở nên cực kỳ quan trọng. Bên cạnh việc có thể làm việc với người khác, bạn còn cần có kỹ năng dẫn dắt và lãnh đạo bằng sức ảnh hưởng thay vì quyền lực và áp đặt.
7 kỹ năng sống còn” con bạn cần được trang bị ngay từ hôm nay - Ảnh 1.
Do đó trẻ cần được học cách kết nối với người khác ngay từ khi còn nhỏ, bắt đầu từ chính cha mẹ, anh chị em, sau đó là bạn cùng lớp, thầy cô… để có thể chia sẻ những gì mình có, cùng nhau làm những việc trẻ gặp khó khăn khi làm một mình. Đồng thời trẻ cũng cần có khả năng dẫn đầu, bắt đầu ngay từ các nhóm nhỏ mà trẻ tham gia vào. Cần xây dựng các hoạt động mà ở đó trẻ sẽ học được cách phải thuyết phục người khác như thế nào để mọi việc diễn ra theo ý mình thay vì cố gắng áp đảo người khác bằng cách to tiếng hay các lợi thế cá nhân.
Tính nhạy bén, linh hoạt và khả năng thích nghi
Trong một thế giới, trong môi trường làm việc không ngừng biến đỏi, khả năng thích ứng với cái mới, học hỏi các kỹ năng mới một cách nhanh chóng, linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, sử dụng được một loạt các công cụ để giải quyết vấn đề là vô cùng cần thiết. Đây còn được gọi là “kỹ năng học tập” – kỹ năng không thể thiếu, là yếu tố quan trọng để thành công.
Đừng luôn giữ trẻ trong một môi trường quen thuộc và an toàn, hãy để trẻ thường xuyên được tiếp xúc với những người bạn mới, với một lớp học mới, một khu vui chơi mới thay vì khu vui chơi gần nhà, để trẻ được trải nghiệm, khuyến khích trẻ vận dụng tư duy, sử dụng các công cụ và nguồn lực sẵn có xung quanh mình trong các hoàn cảnh khá “ngặt nghèo” để giải quyết vấn đề thay vì luôn thừa mứa và sẵn sàng mọi thứ.
Tính sáng tạo và dám mạo hiểm
Cuộc sống luôn đặt ta trước sự lựa chọn và thử thách buộc ta phải đối mặt. Và mức độ chấp nhận rủi ro luôn đi liền với lợi nhuận kỳ vọng. Tính sáng tạo cũng không phải tự nhiên mà có được. Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên với các bậc làm cha mẹ, thay vì cấm đoán con thử sức với những tình huống có thể coi là “mạo hiểm” và luôn giữ trẻ trong sự bảo bọc quá mức thì nên cho trẻ cơ hội được thử nghiệm, làm cái mới để khám phá hết các giới hạn của bản thân và phát huy tối đa khả năng sáng tạo. Trẻ cần được tạo cảm hứng chứ không phải dạy dỗ làm theo mọi việc người khác làm một cách máy móc và lối mòn để trở thành người sáng tạo và đổi mới.
Giao tiếp hiệu quả bằng ngôn ngữ nói và viết
“Nếu bạn có ý tưởng tuyệt vời nhưng bạn không thể diễn đạt được chúng thì bạn sẽ thua” – Tony Wagner nói. Không chỉ cần có tư duy tốt, bạn cần có kỹ năng diễn đạt được chúng và cho người khác thấy bạn có gì. Đây không phải vấn đề sử dụng ngữ pháp, dấu câu hay phát âm không chuẩn mà là về khả năng giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, truyền đạt được đầy đủ ý nghĩa khi nói, thuyết trình hay viết.
Với trẻ nhỏ hiện nay việc dạy trẻ kỹ năng viết tốt chưa thực sự được coi trọng, có thể khuyến khích trẻ bằng cách đưa ra các đề tài hấp dẫn đối với trẻ để chúng học được cách diễn đạt suy nghĩ của mình về đề tài đó thông qua ngôn ngữ viết. Tương tự đối với ngôn ngữ nói, tổ chức các buổi thuyết trình, phản biện về các chủ đề yêu thích là cách tuyệt vời để không chỉ nâng cao khả năng giao tiếp mà còn tăng cường tư duy phản biện cho trẻ.
Kỹ năng tiếp cận và phân tích thông tin
Trong thế giới hiện đại, mỗi ngày chúng ta phải tiếp nhận một lượng lớn thông tin, các thông tin lại tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau, phân chia thành nhiều luồng quan điểm và thay đổi một cách chóng mặt. Kỹ năng chọn lọc và lấy được thứ mình cần từ kho tàng thông tin khổng lồ ấy là một thách thức không nhỏ bởi thông tin hoàn toàn có thể gây “nhiễu”, thậm chí gây hại cho người sử dụng.
Để hướng dẫn con cách tiếp cận, phân tích thông tin từ khi còn nhỏ, hãy cùng trẻ lựa chọn những cuốn sách, đồ chơi bổ ích, phù hợp, đặc biệt từ khi con có thể tiếp cận với mạng Internet để tìm kiếm thông tin thì cha mẹ cần đặc biệt sát sao trong việc định hướng và hướng dẫn con cách thức tiếp cận, nhận biết, đánh giá, sàng lọc, lựa chọn thông tin phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Óc tò mò và trí tưởng tượng
Tò mò và tưởng tượng là những thứ có thể thúc đẩy sự đổi mới và cũng là những yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề. “Tất cả chúng ta sinh ra đã tò mò, sáng tạo và giàu trí tưởng tượng. Một đứa trẻ 4 tuổi bình thường sẽ hỏi hàng trăm câu hỏi mỗi ngày. Nhưng khi đứa bé đó 10 tuổi, nó sẽ có xu hướng lo việc tìm ra câu trả lời đúng ở lớp thay vì đặt ra những câu hỏi hay. Việc mà chúng ta cần làm là giữ cho trẻ luôn tò mò và tưởng tượng, những khả năng bẩm sinh của chúng”, Wagner nhấn mạnh.
Tâm An
Theo Nhịp sống kinh tế
0 nhận xét:
Đăng nhận xét