Đề xuất này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” diễn ra tuần trước.
Thực tế không phải đây là lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra. Trước đó vào tháng 8/2016, ý tưởng cần xác định xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam đã được đưa ra trước thềm năm học 2016-2017.
Đề xuất tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam: 'Trước sau gì cũng phải thực hiện'
GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Thanh Hùng. |
Chia sẻ về đề xuất này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng nên ủng hộ bởi đây là việc sớm hay muộn vẫn phải thực hiện.
“Hiện Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và tiếng Anh là ngôn ngữ giao dịch quốc tế. Gần nhất, Việt Nam là thành viên của cộng đồng ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp chung trong khối cũng là tiếng Anh. Vậy nên, việc đề cao vai trò của tiếng Anh là hết sức cần thiết và việc đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam, theo tôi trước sau gì cũng xảy ra và phải thực hiện”.
Theo ông Thuyết, việc công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai sẽ thúc đẩy người dân học tiếng Anh. Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ.
Tuy nhiên, theo ông Thuyết việc này không thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà phải được Quốc hội thông qua.
“Cần phải xem việc này liệu có phù hợp Hiến pháp không, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ hai. Bởi trong Hiến pháp của Việt Nam thì ngôn ngữ quốc gia chỉ là tiếng Việt thôi. Vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiến pháp năm 2013 mới là hiến pháp đầu tiên xác định ngôn ngữ quốc gia. Ngoài ra cũng cần xem xét, nếu như vậy, thì có cần bổ sung nội dung hiến pháp hay không”, ông Thuyết nói.
Theo ông Thuyết, ở Việt Nam gặp khó khăn là tiếng Anh chưa phải ngôn ngữ phổ biến, nhiều người không sử dụng tiếng Anh. “Dù lớp trẻ nhiều bạn sử dụng được nhưng chưa phải số đông, không phải tất cả giới trẻ sử dụng được. Điều này cũng khiến việc phổ cập tiếng Anh tới toàn dân khó khăn hơn”.
Ông Thuyết cho rằng, nếu muốn đề xuất này trở thành hiện thực thì sẽ phải dạy tiếng Anh cho một số lượng người rất lớn. “Tất nhiên cũng có thể chỉ tập trung nhiều nhất vào lớp trẻ, lực lượng nòng cốt cho tương lai”.
“Ngoài ra còn cần phải tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cả về số lượng lẫn chất lượng thì mới có thể thực hiện việc phổ cập tiếng Anh được.
Giờ đây đã thuận lợi hơn rất nhiều nhưng chắc chắn cũng sẽ không thể tránh khỏi một bộ phận người dân ít cởi mở trong việc thừa nhận một ngoại ngữ làm ngôn ngữ thứ 2 của đất nước”.
Tuy nhiên, ông Thuyết vẫn cho rằng mỗi người, đặc biệt là giới trẻ hầu hết vẫn có động lực để khiến đề xuất này khả thi. “Bởi Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đến với chúng ta cũng rất nhiều và một trong những yêu cầu tuyển dụng của họ ở những vị trí chuyên môn cao là phải thành thạo tiếng Anh. Chưa nói, nếu có tiếng Anh thì cũng là một thuận lợi cho các bạn trẻ khi học tập, sinh hoạt và làm việc ở nước ngoài”
GS Thuyết cũng đặc biệt nhấn mạnh động cơ học của trẻ, bởi việc học ngoại ngữ cần phải được các em học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận, thầy cô giáo chỉ có vai trò hướng dẫn những bước cơ bản.
Theo ông Thuyết, nếu tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam thì cần phải có sự thay đổi trong chương trình giáo dục.
Ông Thuyết cho hay, chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được xây dựng vẫn tương thích và số tiết dạy đủ đáp ứng nếu trường hợp đề xuất này được triển khai mà không cần phải bổ sung.
“Theo Đề án Ngoại ngữ của Chính phủ thì ngoại ngữ bây giờ cũng đã bắt đầu được dạy từ lớp 3 và mỗi một cấp học sẽ phải hoàn thành một bậc trong khung ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (tham chiếu theo khung ngoại ngữ của Châu Âu).
Nghiên cứu chương trình tiếng Anh ở một số nước mà học sinh nói tiếng Anh tốt thì họ cũng chỉ học 3-4 tiết/tuần. Cái chính vẫn là học sinh có động cơ và tự học là nhiều. Khi có động cơ, người ta sẽ tranh thủ học bằng mọi cách. Nhà trường chỉ cung cấp kiến thức cơ bản, còn mỗi cá nhân phải chủ động học thêm, như tự đọc sách, báo, nghe đài bằng tiếng Anh, hay xin đến những công ty du lịch để làm hướng dẫn viên, phục vụ bàn, phục vụ phòng,... nhằm tăng cơ hội giao tiếp tiếng Anh. Như vậy về cơ bản chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng vẫn đáp ứng được”, ông Thuyết nói.
>> Nguồn:
Thanh Hùng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét